Câu hỏi thường gặp

Các câu hỏi thường gặp trong quá trình sử dụng dịch vụ vận chuyển Việt Trungđược chúng tôi tổng hợp tại đây, nhằm cung cấp cho khách hàng thông tin tham khảo hữu ích.

1. Chuyển phát nhanh là gì?

Hàng chuyển phát nhanh (sau đây gọi tăt là CPN) là chỉ hàng được vận chuyển từ shop/xưởng TQ về kho TQ của chúng tôi bằng hình thức chuyển phát nhanh. Đây là hình thức phổ biến với 4 đặc trưng: tốc độ nhanh, giao nhận tại nhà, có theo dõi hành trình và có kí nhận, được áp dụng chủ yếu đối với hàng mua lẻ trên các kênh taobao, tmall hoặc mua hàng mẫu từ xưởng.

Giá CPN hiện nay khoảng 2 NDT/kg (trong cùng tỉnh), 2.5 – 5 NDT/kg (tỉnh lân cận), 8-12 ndt/kg (khác tỉnh).

Lưu ý khi sử dụng dịch vụ CPN: các bạn nên lựa chọn chế độ người gửi thanh toán. Nếu là chế độ người nhận thanh toán, đa phần cước vận chuyển sẽ tăng gấp đôi so với người gửi thanh toán, ngoại trừ Shunfeng (SF), tuy vậy, cước vận chuyển của SF cả chiều người gửi trả và chiều người nhận trả đều rất cao.

2. Chuyển phát thường là gì?

Chuyển phát thường là hình thức vận chuyển hàng hoá tiết kiệm chi phí, thường được sử dụng đối với hàng hoá có số lượng lớn. Đặc điểm của hình thức vận chuyển này là thời gian chậm, chi phí thấp, không giao hàng tận nhà và không tra cứu hành trình hàng hoá (chỉ một số hãng CPT như Debang, Lulutong, … có tra cứu hành trình).

Giá cước vận chuyển cùng tỉnh trong khoảng 0.1 đến 0.3 ndt/kg, tỉnh lân cận khoảng 0/3 đến 0.4 ndt/kg, khác tỉnh khoảng 0.5 đến 1.2 ndt/kg.

Một lưu ý là nhiều công ty CPT không chuyển thẳng lô hàng mà trung chuyển qua một công ty khác nên việc tra cứu tình trạng hàng hoá trong quá trình vận chuyển trở nên khó khăn hơn.

3. Tại sao lại cần Mã số khách hàng?

Mã số khách hàng được dùng để phân biệt giữa các khách hàng với nhau trong quá trình phân loại hàng hoá. Mã số này do công ty chúng tôi đặt cho khách hàng, gồm các kí tự chữ và số, được viết trong phần Địa chỉ người nhận.

4. Mã số khách hàng có tự đặt hay không?

Để tránh trường hợp kẻ xấu lợi dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để vận chuyển hàng cấm, hàng nhạy cảm, chúng tôi từ chối vận chuyển hàng hoá cho những khách hàng không đăng kí sử dụng dịch vụ và lập mã khách hàng tại công ty chúng tôi. Xin được nhấn mạnh là Mã số khách hàng này do công ty chúng tôi lập, không phải do khách hàng tự ý đặt. Khi hàng về kho TQ của chúng tôi, chúng tôi sẽ tiến hành phân loại hàng hoá. Đối với hàng không có mã số khách hàng hoặc có mã số khách hàng không hợp lệ (do khách hàng tự đặt), chúng tôi sẽ từ chối vận chuyển về Việt Nam.

5. Tại sao tôi đã ghi rõ mã số khách hàng trong phần người nhận mà vẫn gặp tình huống Hàng không tên?

Hiện nay, bill chuyển phát nhanh được ghi bằng hai hình thức: một là viết tay, có giấy than để viêt các liên tiếp theo; hai là in điện tử. Hình thức viết tay và dùng giấy than khiến cho nhiều thông tin trên măt bill bị mờ đi, trong đó có nội dung mã số khách hàng. Trong trường hợp đó, chúng tôi sẽ đăng trên website của chúng tôi những bill không rõ khách hàng để khách hàng tiện tra cứu và xác nhận.

6. Tại sao tra cứu vận đơn bên kho Trung Quốc đã kí nhận mà tôi lại không nhận được hàng tại Việt Nam?

Có ba trường hợp xảy ra:

+ Trường hợp thứ nhất: mặc dù trên hệ thống tra cứu của hãng có ghi kí nhận “người nhận đã kí nhận” song trên thực tế, kiên hàng này đã bị nhân viên công ty CPN nội địa chuyển nhầm đến địa chỉ khác hoặc thất lạc. Trong trường hợp này, bạn có thể khiếu nại với công ty chúng tôi về việc hệ thống có xác nhận đã kí nhận nhưng bạn không nhận được hàng. Chúng tôi sẽ yêu cầu bạn cung cấp bill chụp có hiển thị con dấu hoặc chữ kí của công ty chúng tôi. Nếu không có con dấu hoặc chữ kí của công ty chúng tôi có nghĩa là việc thất lạc này thuộc trách nhiệm công ty CPN nội địa.

+ Trường hợp thứ hai: do công ty CPN nội địa không có tuyến chuyển thẳng mà phải trung chuyển qua một đơn vị khác và bị thay đổi mã bill, tuy vậy trên hệ thống tra cứu vận đơn của hãng không hiển thị mã bill nối tiếp nên bạn tra cứu theo mã bill cũ trong khi công ty chúng tôi lại nhập vào hệ thống mã bill mới.

+ Trường hợp thứ ba: do sơ suất của nhân viên chúng tôi làm thất lạc trong quá trình tác nghiệp. Trong trường hợp nay, công ty chúng tôi đền bù theo đúng Qui chế vận chuyển.

7. Thông thường, hàng hoá phải bao nhiêu ngày mới từ shop đến được kho nội địa của Lâm Thái?

+ Đối với hàng CPN: trong cùng tỉnh: sáng chuyển, chiều nhận; ngoại tỉnh: khoảng 3 ngày; khu vực xa: 5 đến 7 ngày.

+ Đối với hàng CPT: thời gian thông thường từ 3 đến 10 ngày.

Các bạn lưu ý:

+ Nhiều shop không phát hàng ngay sau khi bạn thanh toán. Nếu bạn mua hàng trên các trang online của Alibaba thì họ qui định shop được phép phát hàng trong vòng 48 tiếng sau khi bạn thanh toán;

+ Nếu công ty vận chuyển không có tuyến thẳng mà phải trung chuyển thì thời gian phải cộng thêm 1 đến 2 ngày; nếu công ty đó là môt công ty nhỏ và trạm trung chuyển họ hợp tác cũng là một trạm nhỏ thì thậm chí thời gian còn phải tăng thêm nhiều (đợi đủ xe mới chuyển).

8. Hàng đã về đến Bằng Tường nhưng shop phản ánh rằng công ty vẫn chưa qua lấy hàng giúp tôi. Nguyên nhân tại sao?

Có trường hợp hàng đã về đến Bằng Tường nhưng công ty vận chuyển nội địa chưa dỡ xong hàng hoặc do trời mưa nên chưa thông báo bên công ty chúng tôi qua lấy.

Tuy nhiên, cũng không loại trừ trường hợp công ty vận chuyển nội địa đã dỡ hàng xuống song quên không thông báo cho phía chúng tôi qua lấy hàng. Trong trường hợp này, bạn theo dõi sát sao để nhắc bên chúng tôi chủ động liên hệ với họ để lấy hàng.

9. Tiền ứng trước là tiền gì?

Là tiền vận chuyển nội địa mà công ty chúng tôi trả hộ cho bạn. Tiền này chúng tôi sẽ qui đổi ra tiền VNĐ và thu cùng với tiền cước từ kho chúng tôi về VN. Tỷ giá tính theo tỷ giá thị trường tại thời điểm đó.

10. Tiền kéo hàng là gì?

Thông thường, đối với hàng chuyển phát thường, hàng chỉ được giao đến kho Bằng Tường của công ty vận chuyển nội địa chứ không giao đến tận kho chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi phải đến nhận hàng tại kho của họ và kéo về kho mình. Chi phí đó do khách hàng trả.

11. Tại sao tôi đã trả tiền phí vận chuyển nội địa Trung quốc mà về Việt Nam vẫn phải trả tiền ứng trước?

Nhiều shop TQ khi tính tiền vận chuyển nội địa, họ chỉ tính một chặng, trong khi trên thực tế, hành trình hàng hoá của bạn phải trung chuyển qua hai đến ba trạm, mỗi trạm đều tính phí trung chuyển. Vì vậy, để tránh tình trạng này, khi thương lượng với shop về vấn đề chuyển hàng, bạn nên yêu cầu họ tính phí vận chuyển toàn chặng.

12. Hàng của tôi là cốc chén bị vỡ thì công ty có đền bù hay không?

Nguyên tắc của bên vận chuyển là đảm bảo hàng hoá nguyên đai nguyên kiện chứ không đảm bảo tình trạng nguyên vẹn của hàng hoá bên trong kiện hàng. Vì vậy, đối với hàng dễ vỡ, các bạn cần có các biện pháp để bảo toàn hàng hoá, hạn chế tổn thất như: bọc hàng trong tấm chống sốc, đóng gỗ bảo vệ kiện hàng.

13. Hàng của tôi đã đóng gỗ thì có đảm bảo hàng bên trong không bị vỡ, dập không?

Việc đóng gỗ chỉ giúp bạn bảo vệ các cạnh của kiện hàng không bị va đập gây móp méo, tác động trực tiếp đến hàng hoá bên trong. Tuy nhiên, bạn phải đảm bảo chắc chắn rằng, hàng hoá bên trong được lèn chặt bằng xốp, mút, …để không va đập vào nhau gây vỡ, nứt hàng hoá.

14. Hàng của tôi đã đóng bảo hiểm 3% thì có được đền bù nếu hàng vỡ hỏng hay không?

Đóng bảo hiểm hàng hoá là nhằm bảo đảm được đền bù 100% giá trị hàng hoá trong trường hợp hàng bị mất, thất lạc, tịch thu chứ không để đảm bảo tính nguyên vẹn của hàng hoá trong quá trình vận chuyển.

15. Tại sao đối với hàng CPN lại có công thức V/6000 đối với hàng cồng kềnh.

Công thức (dài*rộng* cao)(cm)/6000 được áp dụng trong ngành chuyển phát nhanh để qui đổi diện tích chiếm chỗ của hàng hoá ra cân nặng. Nói một cách đơn giản, cũng một xe 1 tấn, nếu xếp hàng vòng bi, có thể xếp lên đến 3 tấn mới hết diện tích xe nhưng nếu xếp đèn Led thì chỉ được 300kg. Vậy nếu cùng thuê một xe 1 tấn hết 900 nghìn đồng thì tính chi phí cho một cân đèn Led là 3000 đồng/kg nhưng nếu là hàng vòng bi thì bình quân 1 kg chỉ hết 300 đồng/kg. Vì vậy việc áp dụng công thức này là để đảm bảo chi phí cơ bản trên cùng một diện tích chiếm chỗ.

16. Tại sao hàng của tôi nặng những 100kg mà lại gọi là hàng nhẹ, hàng cồng kềnh, trong khi có kiện hàng chỉ 15,20 kg lại được coi là hàng nặng?

Hàng nặng hay nhẹ ở đây là xét về mặt tỷ trọng, nghĩa là tỉ số giữa mét khối không gian và trọng lượng. Ví dụ, cùng 1 m3 không gian, nếu bạn đựng được 1 tấn vòng bi còn nếu bạn đựng đèn Led thì chỉ được 300kg, vậy vòng bi được coi là hàng nặng còn đèn Led dược gọi là hàng nhẹ, hàng cồng kềnh.

17. Khi mang hàng về nhà, kiểm tra lại, tôi thấy hàng bị hỏng/thiếu, vậy tôi có thể khiếu nại việc này không?

Ngay khi nhận hàng tại kho chúng tôi, bạn cần kiểm tra kĩ lưỡng, đảm bảo hàng nguyên đai nguyên kiện mới kí nhận. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về số lượng và chất lượng hàng hoá bên trong kiện hàng.

18. Trong trường hợp tôi thuê ship hoặc nhờ người nhà đến nhận hàng, nếu có mất mát thì ai là người chịu trách nhiệm?

Khi ship hoặc người nhà đến lấy, bạn cần nhắc họ đọc đúng mã số khách hàng của bạn và số bill cần nhận. Bạn lưu ý là mỗi lần có người đến nhận hàng hộ, họ cần nhận toàn bộ số hàng của bạn hiện có tại kho công ty chúng tôi, tránh tình trạng mỗi một người qua lấy một vài kiện hàng nhỏ lẻ. Đồng thời, cũng như đích thân bạn đến lấy hàng, họ cần kiểm tra kĩ lưỡng, đảm bảo hàng nguyên đai nguyên kiện mới kí nhận. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về số lượng và chất lượng hàng hoá bên trong kiện hàng.

19. Hàng của tôi kí nhận ở TQ ngày 12 tháng 12, tại sao đến nay (1.2) tôi gửi email khiếu nại nhưng không được quí công ty trả lời?

Theo Điều lệ vận chuyển mới năm 2016, chúng tôi giải quyết khiếu nại trong vòng 15 ngày kể từ ngày hàng hoá được kí nhận tại kho của chúng tôi tại TQ.